Những thay đổi đối với chương trình đầu tư nhập quốc tịch ở Cộng hòa Síp vừa được phê duyệt bởi Bộ Nội Các. Chương trình này đã cấp 1.864 quốc tịch và tạo ra 6,6 tỷ euro từ nguồn đầu tư nước ngoài.
Ông Harris Georgiades – Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết: “Vào thứ tư vừa qua, Cộng hòa Síp đã kí duyệt một loạt các thay đổi đối với chương trình Đầu tư cấp quốc tịch sau khi chương trình này vướng phải một số tranh cãi trong thời gian qua, với hi vọng chương trình sẽ trở nên đáng tin cậy hơn. Bộ Nội Các sẽ áp dụng các điều kiện mới cho chương trình cấp hộ chiếu Síp, bao gồm việc tăng mức đầu tư lên 2,5 triệu euro so với mức cũ là 2 triệu euro, bao gồm cả việc mua nhà ở. Nhà đầu tư cũng được yêu cầu đóng một khoản quyên góp không hoàn lại trị giá 75.000 euro cho Quỹ nghiên cứu và đổi mới và 75.000 euro cho Tập đoàn phát triển đất đai Síp với mục đích hỗ trợ phát triển nhà ở giá rẻ.
Ngoài ra, đương đơn phải có giấy phép cư trú tại Síp ít nhất 6 tháng trước khi được nhập quốc tịch với tư cách là công dân Síp và phải duy trì các khoản đầu tư cần thiết trong thời gian ít nhất 5 năm kể từ ngày nhập tịch, thay vì 3 năm như trước đây. Trong trường hợp khoản đầu tư liên quan đến việc mua bất động sản hoặc tài sản cũng như trong trường hợp nhà đầu tư là chủ sở hữu nhà vĩnh viễn, các giấy tờ cần thiết như giấy phép quy hoạch, giấy chứng nhận hoàn thành hoặc giấy miễn các loại phí ngân hàng sẽ được Chính phủ yêu cầu cung cấp. Ông Georgiades cho biết bản kết quả nghiên cứu các tác động của việc thay đổi chương trình vào nền kinh tế đã được trình bày trước Bộ Nội các. Ông cũng nói rằng kế hoạch này đã được đưa ra thực hiện sau cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2013, kể từ đó, 1.864 đơn xin quốc tịch đã được chấp thuận trong khuôn khổ của chương trình, mang lại cho quốc gia này 6,6 tỷ euro.
“Tuy nhiên, với những phát hiện từ bản báo cáo nghiên cứu, việc ngành thương mại và đầu tư có đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng của một nền kinh tế là một mối quan hệ vẫn chưa được chứng minh” – ông Georgia Georgiades cho biết thêm. “Chương trình này khá quan trọng đối với ngành bất động sản và xây dựng, nhưng lại có rất ít ảnh hưởng đến nền kinh tế”. Bộ trưởng đã nhấn mạnh, mặc dù 24% giao dịch trong ngành bất động sản được thực hiện trong khuôn khổ chương trình này, và ngành này đã được phục hồi một phần nhờ chương trình, tuy nhiên nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng của quốc gia lại không phụ thuộc vào từng lĩnh vực cụ thể.
Trong giai đoạn ba năm từ 2016-2019, tổng đóng góp của chương trình đầu tư nhập quốc tịch cho tăng trưởng GDP là 1,2% trên tổng số 13% tăng trưởng của quốc gia trong vòng 3 năm qua. Bộ Nội Các đã quyết định thay đổi các tiêu chí của chương trình, nhằm bảo vệ các lợi ích tài chính khiến nó trở nên đáng tin cậy hơn. Ông Georgiades nói: “Tôi tin rằng phần quyên góp bắt buộc này cho Quỹ Nghiên cứu và Đổi mới sẽ khuyến khích hơn nữa việc tạo ra một môi trường kinh doanh đổi mới, trong khi phần quyên góp vào Tập đoàn phát triển đất đai Síp là để tài trợ cho các chương trình hỗ trợ tài chính cho nhà ở, chủ yếu cho nhà ở giá rẻ. Ông cũng cho biết thêm, các yêu cầu sẽ chặt chẽ hơn để đảm bảo các thủ tục thẩm tra hồ sơ nghiêm ngặt và hiệu quả hơn, chẳng hạn như phương pháp kiểm tra kỹ lưỡng của từng đương đơn chính được thực hiện bởi một công ty quốc tế độc lập. Ngoài ra, nhà đầu tư có nghĩa vụ phải có thị thực Schengen và những đương đơn đã từng bị từ chối bởi các quốc gia thành viên khác với các chương trình tương tự sẽ không được tham gia chương trình.
Những thay đổi này được đưa ra sau khi báo cáo “Các chương trình định cư/ nhập quốc tịch thông qua hình thức đầu tư tại khối Liên minh châu Âu (EU)” cho rằng Síp đã không làm đủ các công tác đảm bảo tính minh bạch để chống lại các hoạt động bất hợp pháp và tội phạm. Cộng hòa Síp là một trong ba quốc gia thuộc khối EU có chương trình cấp hộ chiếu thông qua đầu tư cùng với Malta và Bulgaria. Tuy nhiên, Bulgaria cho biết họ sẽ sớm dừng chương trình này lại.
Nguồn: Cyprus Property News, ngày 14/02/2019: “Changes to Citizenship scheme approved”.